(Theo Zingnews) Ăn nhiều rau củ quả chứa flavonoid sẽ hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề về thần kinh, tim mạch, làm chậm quá trình oxy hóa và ức chế tác nhân gây ung thư.

 

Trong một lần chiết xuất vitamin C, nhà khoa học Hungary Szent-Gyorgyi Albert – người đoạt giải Nobel năm 1937, tình cờ phát hiện ra một chất màu vàng nhạt. Sau này, ông đã đặt tên chất đó là flavonoid. Ban đầu, ông gọi flavonoid là “vitamin P” nhờ công dụng hỗ trợ ngừa xơ vữa mạch máu. Tuy nhiên, tên này được thay đổi vì cấu trúc không phù hợp với vitamin.

Là chất chuyển hoá trung gian của thực vật, flavonoid có hơn 5.000 loại khác nhau trong tự nhiên. Chúng quyết định màu sắc của lá như bắp cải tím, trà, súp lơ xanh, rau dền. Flavonoid còn tạo sắc màu sặc sỡ cho hoa quả như đỏ của dâu, cherry, mâm xôi, lựu…; tím của việt quất, nho… Thậm chí, chất này còn được tìm thấy trong rễ của những loại củ như hành tây, khoai lang tím…

Flavita Cyto 88, Navita Viet Nam anh 1
Flavonoid có nhiều trong rau củ quả màu sắc sặc sỡ.

Các gốc tự do được hình thành liên tục trong cơ thể, tấn công lớp lipid ở màng tế bào. Chúng tác động đến protein, axit nucleic trong nhân tế bào, gây đột biến gene – nguyên nhân của lão hóa sớm và loạt bệnh như Alzheimer, Parkinson, thoái hóa khớp… Gốc tự do còn thúc đẩy quá trình oxy hóa cholesterol gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Flavonoid có công dụng lớn trong hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, giữ vai trò làm chậm quá trình oxy hóa, trung hòa gốc tự do. Ngoài ra, chất này còn hỗ trợ tái hoạt hóa các Vitamin (A, C, E) đã bất hoạt sau mỗi lần trung hòa, giúp giảm gốc tự do tốt hơn.

Ngoài ra, flavonoid có công dụng cải thiện thoái hóa thần kinh, kiểm soát cân nặng, phòng ngừa biến chứng tiểu đường. Chất này còn hỗ trợ điều hòa hệ miễn dịch đối với trường hợp dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn.

Flavita Cyto 88, Navita Viet Nam anh 2

Cấu trúc của Flavonoid.

Tác dụng ngăn ngừa tác nhân gây ung thư của flavonoid thể hiện qua việc ức chế hoạt động của phức hợp enzym tyrosine kinase, ngăn cản tổng hợp eicosanoid. Flavonoid cũng góp phần cản trở quá trình hình thành mạch máu của khối u. Nhờ đó, khối u không được cung cấp dưỡng chất và oxy để phát triển.

 

Video – Vì sao flavonoid tốt cho sức khỏe? Flavonoid giữ vai trò quan trọng trong việc làm chậm quá trình oxy hóa và hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe. Chất này có nhiều trong rau củ quả màu sắc sặc sỡ.

Flavonoid cũng tác động đến quá trình tự sát tế bào (apoptosis). Theo đó, tế bào ung thư buộc phải tự chết theo đúng quy trình định sẵn. Cùng với đó, nghiên cứu mới về công dụng của flavonoid ghi nhận khả năng chống lại sự nhờn thuốc của tế bào ung thư, giúp tăng hiệu quả hoá trị.

Năm 2019, Viện Nghiên cứu ung thư Đan Mạch thực hiện một thống kê để xác định vai trò của flavonoid thông qua theo dõi chế độ ăn uống của 56.048 người trong 23 năm. Chế độ ăn uống được dựa trên mối liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Báo cáo cho thấy, hàng ngày cơ thể cần bổ sung ít nhất 500 mg flavonoid trong rau củ quả để tăng tuổi thọ và giảm 20% nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch.

Hàm lượng flavonoid trong mỗi loại thực phẩm là khác nhau, đa số phụ thuộc vào mùa, môi trường, cách bảo quản và chế biến. Mùa hè, hàm lượng flavonoid nhiều gấp 3-5 lần mùa đông. Cây trồng trong nhà kính có hàm lượng thấp hơn vì thiếu bức xạ UV-B cần thiết cho quá trình tổng hợp flavonoid, hoặc do thủy tinh lọc đi một phần.

Quá trình đông lạnh, chế biến thực phẩm thường làm giảm nồng độ flavonoid. Tuy nhiên, dâu tây và nho là những trường hợp ngoại lệ. Khi đông đá dâu tây hay lên men rượu nho, hàm lượng flavonoid sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, để hấp thụ nhiều flavonoid tốt, bạn nên ăn đa dạng rau củ quả với màu sắc khác nhau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ ngay với chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi